Trước khi đăng cơ Taksin

Thời thiếu niên và giáo dục

Taksin sinh ngày 17 tháng 4 năm 1734 (22 tháng 3 năm 2277 Phật lịch) tại Ayutthaya. Cha của ông là Yong Saetae (tiếng Thái: หยง แซ่แต้; tiếng Trung: 鄭鏞; Hán-Việt: Trịnh Dung[3]; tiếng Việt: Trịnh Yển, chữ Hán: 鄭偃[4]), là một quan viên thu thuế,[5] có gốc Triều Châu từ huyện Trừng Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.[2] Mẹ của ông là Nok-iang (tiếng Thái: นกเอี้ยง), bà là một người Thái (và sau được phong tước Somdet Krom Phra Phithak Thephamat).[6]

Do ấn tượng trước ông, Chao Phraya Chakri (Mhud), người đương giữ chức Samuhanayok (สมุหนายก tể tướng) trong triều đại của vua Boromakot, nhận nuôi ông và ban cho ông tên Thái là Sin (สิน)[7] nghĩa là tiền bạc hoặc của cải.[8] Do có tên là Sin[9], ông được sử Việt gọi theo tiếng Hoa là Trịnh Tân (鄭新)[10], Trịnh Quốc Anh (鄭國英)[4]Trịnh Sinh (鄭生)[11], còn sử Trung Quốc gọi là Trịnh Tín (鄭信)[3]Trịnh Chiêu (鄭昭).[12]

Khi lên 7 tuổi, Sin được giao cho một nhà sư tên là Thongdee để bắt đầu tiếp nhận giáo dục trong chùa Wat Kosawat (วัดโกษาวาส) (sau là Wat Choeng Tha วัดเชิงท่า).[13] Sau bảy năm, cha nuôi gửi ông đi làm công việc của một tiểu đồng vương thất. Ông đã học thông thạo các ngoại ngữ như tiếng Mân Nam, Việt Nam và một số ngôn ngữ ở Ấn Độ.

Khi Sin cùng bạn của mình là Thong-Duang còn là các chú tiểu, hai cậu bé kể rằng họ gặp một ông thầy bói người Hoa và người này nói rằng bàn tay của cả hai cậu bé có đường chỉ tay may mắn và sẽ đều làm vua. Không ai cho rằng điều này là nghiêm túc, song cả hai về sau đều làm vua và Thong-Duang trở thành người kế nhiệm Taksin, tức Rama I.[14]

Sự nghiệp ban đầu

Sau ba năm làm sư, Sin tham gia phụng sự cho Quốc vương Ekatat[15] và là phó thống đốc thứ nhất rồi thống đốc của tỉnh Tak,[16] do vậy mà ông được gọi là Phraya Tak, tức thống đốc tỉnh Tak[17]. Tỉnh này gặp nguy hiểm từ Miến Điện vì giáp biên giới. Cũng do danh xưng Phraya Tak này mà các sách sử Việt Nam còn gọi Taksin là Phi Nhã Tân (丕雅新, "Phraya Sin")[18].

Năm 1764, quân Miến tấn công khu vực miền nam của Xiêm. Dưới quyền Muang Maha Noratha, quân Miến thắng lợi và tiến đến Phetchaburi, và tại đây phải đối diện với các binh sĩ Xiêm dưới quyền hai tướng quân là Kosadhibodhi và Phraya Tak (tức Taksin). Quân đội Xiêm đánh lui quân Miến về đèo Singkhorn.

Tượng Taksin ở Wat Kung Tapao.

Năm 1765, khi quân Miến tấn công Ayutthaya, Phraya Tak tham gia phòng thủ kinh thành, nhờ vậy mà được ban tước "Phraya Vajiraprakarn" của tỉnh Kamphaeng Phet. Tuy nhiên, ông không có cơ hội đến cai trị tỉnh Kamphaeng Phet do chiến tranh lại nổ ra. Ông lập tức được triệu hồi để bảo vệ kinh thành. Trong hơn một năm, các binh sĩ Xiêm và Miến giao tranh ác liệt trong cuộc bao vây Ayutthaya. Trong thời gian này, Phraya Vajiraprakarn trải qua nhiều thất bại khiến ông nghi ngờ về giá trị các nỗ lực của bản thân.

Kháng cự và độc lập

Ngày 3 tháng 1 năm, 1766, trước khi Ayutthaya thất thủ, ông cùng 500 tùy tùng phá vòng vây của quân Miến để đến tỉnh Rayong, ở bờ đông của vịnh Thái Lan.[19] Hành động này chưa từng được giải thích thỏa đáng, do vương cung và quý tộc Ayutthaya nằm trên một đảo; cách Taksin và tùy tùng phá vây vẫn còn là điều bí ẩn.

Ngày 7 tháng 4 năm 1767, Ayutthaya hoàn toàn thất thủ trước quân Miến. Sau khi kinh đô thất thủ và quốc vương từ trần, Xiêm bị phân thành sáu phần, trong đó Sin kiểm soát vùng duyên hải phía đông. Cùng với Tong-Duang lúc này có tên mới là Chao Phraya Chakri, ông cuối cùng tiến hành đẩy lui người Miến, đánh bại các đối thủ và tái thống nhất quốc gia.[20] Sin lúc này được gọi là Hoàng tử Tak.

Thống đốc Chantaburi từ chối thương lượng hữu nghị, do vậy ông cùng tùy tùng đột kích và chiếm được thị trấn vào ngày 15 tháng 6 năm 1767, chỉ hai tháng sau khi Ayutthaya thất thủ.[21] Quân đội của ông nhanh chóng gia tăng số lượng với những nam giới tại Chantaburi và Trat, là hai tỉnh không bị cướp phá và bị suy giảm dân số do quân Miến,[22] một cách tự nhiên tạo thành cơ sở thích hợp cho ông để tiến hành chuẩn bị giải phóng tổ quốc.[23]

Taksin cưỡi ngựa chiến.

Sau khi cướp phá hoàn toàn Ayutthaya, người Miến dường như không thể hiện sự quan tâm nghiêm túc trong việc chiếm giữ thủ đô của Xiêm, do họ chỉ để lại một số ít binh sĩ dưới quyền Tướng Suki để kiểm soát thành phố nay đã tan vỡ. Họ chuyển sự chú ý của mình về phía Bắc, nơi Miến Điện chịu sự đe dọa từ việc Đại Thanh xâm chiếm. Ngày 6 tháng 11 năm 1767, khi làm chủ được 5.000 binh sĩ và toàn bộ đều có sĩ khí cao, Taksin chỉ huy quân đội đi thuyền ngược sông Chao Phraya và chiếm Thonburi ở đối diện Bangkok hiện nay, hành quyết thống đốc người Thái do Miến Điện phong là Thong-in.[24] Sau chiến thắng nhanh chóng này, ông táo bạo tấn công đại doanh của quân Miến tại Phosamton gần Ayutthya.[25] Quân Miến bị đánh bại, và Taksin khải hoàn Ayutthaya, bảy tháng sau khi thành phố thất thủ.[23]

Lập đô

Taksin thực hiện những bước quan trọng nhằm thể hiện ông là một người kế nhiệm xứng đáng của vương vị. Ông được thuật là đã đối đãi thích hợp với dư đảng của vương tộc cũ, sắp xếp đại hỏa táng thi thể của Quốc vương Ekatat, và giải quyết vấn đề định đô.[26] Có thể Taksin nhận thấy rằng Ayutthaya bị tàn phá nghiêm trọng nên việc khôi phục nó về tình trạng cũ chắc chắc sẽ quá sức đối với nguồn lực của ông. Người Miến quá quen thuộc với các tuyến đường để tiến đến Ayutthaya, và trong trường hợp người Miến lại tiến công, thì binh sĩ của ông sẽ không thể đủ sức bảo vệ thành phố. Do vậy, ông lập đô tại Thonburi, là nơi gần biển hơn Ayutthaya.[27] Ngoài việc sẽ khó xâm nhập Thon Buri bằng đường bộ, sự lựa chọn này cũng sẽ ngăn chặn việc thu thập vũ khí và thiết bị quân sự của bất cứ ai có tham vọng biến bản thân thành một vương độc lập ở xa về thượng du sông Chao Phraya.[21] Do Thonburi là một đô thị nhỏ, quân sẵn có của Vương Tak, cả bộ binh và thủy binh, có thể tham gia xây dựng công sự, và nếu ông nhận thấy rằng không thể giữ nó trước một cuộc tấn công của kẻ thù, ông có thể đưa quân lên tàu và tiến hành triệt thoái đến Chantaburi.[28]

Những thắng lợi trước các đối thủ quyền lực là nhờ năng lực chiến đấu như một chiến binh của Taksin. Ông thường ở tiền tuyến trong khi đấu với kẻ địch, nhờ vậy truyền sĩ khí cho binh sĩ để họ bất chấp nguy hiểm. Trong số những quan chức gắn vận mệnh với ông có hai cá nhân mà sau này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử Thái Lan, họ là hai người con của một quan chức mang tước Pra Acksonsuntornsmiantra (พระอักษรสุนทรเสมียนตรา), người anh là Tongduang (ทองด้วง) và sau thành lập vương triều Chakri, người em là Boonma (บุญมา) nắm giữ vị trí quyền lực số hai.[29]

Trước khi Ayutthaya thất thủ, Tongduang được phong tước Luang Yokkrabat, giữ chức giám sát vương thất, thống đốc tỉnh Ratchaburi, còn Boonma có hiệu là Nai Sudchinda. Luang Yokkrabat (Tongduang) không có mặt lúc kinh thành Ayutthaya thất thủ, còn Nai Sudchinda (Boonma) thì đã đào thoát khỏi kinh thành. Tuy nhiên, khi Taksin tập hợp lực lượng tại Chantaburi, Nai Sudchinda đem những tùy tùng của mình gia nhập, giúp tăng cường lực lượng của Taksin, và được thăng làm Pra Mahamontri (พระมหามนตรี). Ngay sau khi đăng cơ, Taksin đảm bảo phụng sự của Luang Yokkrabut theo khuyến nghị của Pra Mahamontri và thăng người này là Pra Rajwarin (พระราชวรินทร์). Sau đó, do có công lao nên Pra Rajwarin được lập làm Chao Phraya Chakri[30], hạng tể tướng, và Pra Mahamontri được lập làm Chao Phraya Surasih[31].[27]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Taksin http://books.google.com/books?id=8uDZzMQYlesC&pg=P... http://watchoengthar.igetweb.com/index.php?mo=10&a... http://www.mybangkokholiday.com/attractions/palace... http://www.thailandsworld.com/index.cfm?p=478 http://www.usmta.com/history-4.htm http://www.library.umaine.edu/theses/pdf/KiriwatAX... http://www.idref.fr/07240017X http://id.loc.gov/authorities/names/n78083246 http://library.du.ac.in/xmlui/bitstream/handle/1/3... http://d-nb.info/gnd/119022648